Câu chuyện Tổ nghề khảm trai
Chuyện kể rằng hai vợ chồng nọ trong làng đã đứng tuổi, đi cầu tự nhiều đền chùa mãi chưa được mụn con.
Nhưng bất ngờ năm ấy, làng vào mùa bội thu, hoa lá xanh tươi, nhà nhà no ấm. Một hôm đi lễ về bỗng người mẹ thấy lòng thơi thới khác thường. Đêm trăng mơ màng cùng âm thanh sóng nước sông Nhuệ như ru bà chìm vào giấc mơ kỳ lạ. Một con rồng trắng hiện về đậu trên nóc nhà. Nó giương vây lượn mấy vòng rồi biến thành một bông sen tỏa hương thơm ngào ngạt.
Bông sen hồng rơi vào tay bà như một món quà của ông trời ban cho. Bà ôm bông sen ngủ một giấc ngon lành. Từ đó bà có thai và sinh ra một cậu bé, với nước da trắng hồng, thoang thoảng hương sen. Cậu bé được đặt tên là Trương Công Thành.
Quả nhiên, cậu bé Trương Công Thành khỏe mạnh, thông minh, xuất sắc khác người. Học giỏi và chí lớn. Mới mười bảy tuổi, Trương Công Thành đã thi đỗ Thái học sinh, rồi được bổ làm quan Tướng công Phù Quảng Bá. Sau đó chàng trai còn được Thừa tướng Lý Đạo Thành gả con gái cho.
Khi quân Tống sang xâm lược nước ta, Trương Công Thành được vua nhà Lý phong chức Tây đạo tướng quân, Tham tán phó soái cùng Nguyên soái Lý Thường Kiệt dẫn đại quân lên phía Bắc đánh chặn giặc Tống. Sau này chính Trương Công Thành còn dẫn quân xuống phía Nam đánh tan nạn giặc Chiêm quấy nhiễu bờ cõi nước ta.
Ngỡ như với nhiều công trạng, Trương Công Thành được vua ban cho nhiều bổng lộc chức tước cao sang quyền quý, hưởng phúc cả đời, nhưng ông lại xin vua cho về quê vui thú điền viên và dựng chùa đi tu. Dân làng quanh vùng tôn ông là “Huyền chân bồ tát”, tỏ rõ sự trọng vọng với người con của làng đã có công lớn đối với dân tộc, nhưng đã không màng danh vọng, quyền lực.
Tình cờ trong lần tiêu dao sơn thủy, Trương Công Thành phát hiện ra dưới đầm sen có một vỏ trai nằm nép dưới chân cụm hoa sen tàn ánh lên một sắc hồng sáng láng dưới tia nắng mặt trời. Ông tò mò nhặt lên rồi lấy khăn lau sạch. Càng lau, những màu sắc của vỏ trai càng thêm rực rỡ.
Ông bèn tìm thêm những mảnh vỏ trai khác, cầm về cắt nhỏ gắn theo những chữ trên hoành phi câu đối rồi mài cho phẳng. Ai ngờ càng mài những mảnh trai càng lộ rõ những màu hoa văn bừng lên tạo ra cảnh bảy sắc cầu vồng đầy kỳ thú. Nhất là hình bông hoa sen toát lên từ bàn tay ông một màu trắng thanh tao dịu dàng. Vậy là từ trò chơi con chữ, ông nghĩ sao không tạo nên những bức khảm tranh dân gian, đem lại niềm vui cho mọi người. Chính đó là những tác phẩm chạm khảm trai đầu tiên ở làng Chuôn Ngọ.
Vị “Huyền chân bồ tát” đã truyền lại những công việc làm tranh khảm trai cho làng, trước khi tạ thế (năm 1099). Từ đó về sau dân làng biết cách mài vỏ trai khảm chữ, khảm tranh trên mặt gỗ. Một nghề mới ra đời. Mọi người bắt đầu làm hàng mỹ nghệ bán ra chợ. Đại sư Trương Công Thành được tôn vinh là tổ nghề khảm trai của làng.
Cũng từ đó hàng ngàn bức tranh hoa sen ra đời. Đó là phong vị thiên nhiên kỳ ảo nhất cùng với hàng trăm tác phẩm khảm trai, ốc, với nhiều tích cổ được truyền lại trong dân gian. Hiện trong làng, nhiều gia đình còn giữ được nhiều bức khảm trai mẫu cổ, mô tả những câu chuyện có ý nghĩa thâm thúy.